Đối với phụ nữ trên toàn thế giới, ung thư vú là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ bệnh nhân mắc phải căn bệnh này trên thế giới đang tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mắc phải căn bệnh ung thư này đang đứng hàng đầu và tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ ba. Căn bệnh này là nguyên nhân chính gây tử vong ở phụ nữ, vì vậy việc phát hiện ra các triệu chứng của bệnh và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Cùng tham khảo bài viết sau của collinsb.com để nắm vững các kiến thức về căn bệnh nguy hiểm này nhé!
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú

Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú
Phụ nữ có mẹ, chị em gái bị ung thư vú có nguy cơ mắc cao 2 – 3 lần so với phụ nữ bình thường. Những phụ nữ ung thư vú có liên quan đến tiền sử gia đình thường có xu hướng trẻ hơn và có tỷ lệ ung thư vú hai bên cao hơn.
Những người cao tuổi
Tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư vú càng tăng. Số bệnh nhân bắt đầu bị bệnh lúc trên 50 tuổi chiếm trên 70% tổng số bệnh nhân. Phụ nữ dưới 30 tuổi rất hiếm khi mắc.
Những người có kinh sớm
Tuổi bắt đầu có kinh sớm làm tế bào tuyến vú sớm tiếp xúc estrogen. Những người có kinh sớm cũng có nồng độ estrogen cao hơn những người có kinh muộn.
Phụ nữ ở tuổi mãn kinh
Tuổi mãn kinh muộn hoặc đã mãn kinh nhưng dùng nội tiết thay thế có chứa estrogen cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nguy cơ ung thư vú có thể giảm một nửa ở phụ nữ mãn kinh trước 45 tuổi so với mãn kinh sau 55 tuổi. Những phụ nữ chưa mãn kinh nhưng phải cắt bỏ buồng trứng vì một lý do nào đó cũng giảm nguy cơ mắc bệnh.
Những người không cho con bú mẹ
Không cho con bú cũng là một yếu tố nguy cơ. Nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm 4% mỗi năm mà người phụ nữ cho con bú.
Những người phụ nữ không sinh con
Những phụ nữ không sinh con có nguy cơ bị ung thư vú cao gấp 1,4 lần phụ nữ sinh con. Nếu phụ nữ mang thai lần đầu sau 30 tuổi có nguy cơ bị bệnh cao gấp 2 đến 5 lần.
Có tiền sử bệnh tại vú
Những người bị các bệnh tại vú như: Viêm vú trong khi sinh đẻ; một số bệnh vú lành tính khác cũng là các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Người lười vận động và béo phì
Những phụ nữ béo, đặc biệt khi đã mãn kinh liên quan với nguy cơ ung thư vú tăng. Estrogen được sinh ra trong mô mỡ đã làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở những người này. Nguy cơ ung thư vú tăng khoảng 9% ở người ít vận động. Phụ nữ mãn kinh cân nặng trên 70kg có nguy cơ cao gấp 2 lần so với những phụ nữ dưới 60kg.
Người thường xuyên tiếp xúc với tia phóng xạ
Phụ nữ tiếp xúc với tia phóng xạ khi còn trẻ như phải điều trị bằng tia xạ tại vùng ngực vì các bệnh ác tính khác (như u lymphô ác tính không Hodgkin hoặc Hodgkin) có nguy cơ bị cao hơn những phụ nữ khác gấp 12 lần.
Triệu chứng của bệnh ung thư vú

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú có thể gồm:
- Thay đổi về kích thước, hình dáng và vẻ ngoài của vú.
- Những thay đổi của lớp da vú, như vết lõm da.
- Núm vú thụt vào trong trong khoảng thời gian gần đây.
- Lột da, đóng vảy hoặc bong tróc vùng da đậm màu xung quanh núm vú (quầng vú) hoặc lớp da vú.
- Lớp da vú bị đỏ hoặc bị lõm, tương tự như “da quả cam”.
Cách phòng bệnh ung thư vú
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, chị em cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, khám vú thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh.
- Khám vú tại nhà: Thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà.
- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học: giảm một số chất béo như bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích,… tránh ăn mỡ, da động vật; thực phẩm chế biến sẵn; hạn chế đồ uống có cồn, rượu bia, đồ uống có ga. Bổ sung đầy đủ chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa,…) trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn nhiều rau củ quả: những loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn,… có khả năng giảm 20 – 40% tỷ lệ mắc ung thư vú. Vì trong các loại rau họ cải rất giàu glucosinolate. Hoạt chất này có khả năng ức chế sự gia tăng tế bào. Từ đó giúp ngăn ngừa sự hình thành khối u ở vú.
- Không hút thuốc lá
- Duy trì lối sống lành mạnh: Hãy luôn thực hiện theo chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục thường xuyên.
- Khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời.