Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Tuy phải thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng khiến cho mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng trong 9 tháng đầu năm nhìn chung thì tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 1,42%. Với kết quả này được xem là một thành công không nhỏ trong bối cảnh vừa phòng chống dịch vừa thực hiện duy trì sản xuất.
Số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2021
Tại buổi Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2021, diễn ra ngày 29/9. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, 9 tháng qua, nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước.

Đối với ngành nông nghiệp
Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
Đối với ngành công nghiệp và xây dựng
Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, với tốc độ tăng 6,05%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá là động lực cho tăng trưởng, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.
Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
Nguyên nhân chính ảnh hưởng GDP quý III
GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.
Lý giải cụ thể cho mức giảm này. Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết. Nguyên nhân là đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế. Khiến các tỉnh, thành phố trọng điểm, đầu tàu kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, diễn biến dịch phức tạp, khó lường và giãn cách xã hội kéo dài từ tháng 7 đến nay tại các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long và Hà Nội tác động trực tiếp đến tăng trưởng quý III/2021.

Tình hình công nghiệp, xây dựng và dịch vụ
Từ tháng 7 đến nay, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ giảm sâu, lần lượt là 5,02% và 9,28%. Đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, hầu hết các ngành suy giảm trong quý III. Trong đó giảm mạnh nhất là ngành xây dựng và ngành khai khoáng với mức giảm lần lượt là 11,41% và 8,25%. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dù 6 tháng đầu năm giữ vai trò chủ đạo, động lực của tăng trưởng. Thì bước sang quý III, ngành này giảm 3,24%. Do đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới khu công nghiệp của các địa phương trọng điểm về kinh tế.
Tình hình lao động, việc làm
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III/2021. Lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước. Và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người; giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người; giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,5 triệu người; giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%.