Vùng Tây Nguyên với nhiều tiềm năng phát triển luôn hấp dẫn giới khinh doanh tìm đến, điều này đã tạo nên cơn sốt giá cục bộ vùng ven một cách choáng ngợp. Trước tình hình đó, chính quyền đã kịp thời can thiệp để ổn định lại thị trường và giảm sức cầu ở khu vực, cộng thêm việc đi lại khó khăn cũng khiến sức mua giảm, thanh khoản chậm. Tuy nhiên, thành phố được đánh giá là có nhiều cơ hội đầu tư luôn nhận được quan tâm lớn như Đà Lạt lại là thị trường không ngừng thu hút các nhà đầu tư, giá đất nơi đây đang tăng lên chóng mặt, mức giá khu vực trung tâm đã lên đến 500 triệu đồng/m2.
Mục lục
Đất trung tâm Đà Lạt tăng cao đến 500 triệu đồng/m2
Báo cáo quý III của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết với điều kiện khí hậu, môi trường cùng khả năng kiểm soát dịch tốt, Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư. VARs dẫn lời bà Lê Thắm, Phó Giám đốc Tâm Real chi nhánh Đà Lạt (đơn vị trực thuộc VARs), cho hay giá bất động sản (BĐS) TP. Đà Lạt chưa từng giảm, thậm chí có xu hướng đi lên. Nơi đây thu hút nhiều nhà đầu tư từ các tỉnh khác đến. Bà Thắm cho biết giá đất trung tâm Đà Lạt dao động từ 200 đến 500 triệu đồng/m2. Giá đất này nằm trong khu vực bán kính 5-10 km. Giá đất thổ cư Đà Lạt phổ biến ở mức 10-100 triệu/m2.

Nơi đây đang có làn sóng nhà đầu tư săn lùng dự án. Tuy nhiên, giao dịch thực tế cho đến thời điểm này là chưa lớn. Tất cả cũng đang dừng ở mức thăm dò thị trường. Theo chuyên gia, việc nhiều nhà đầu tư đổ xô săn lùng nhà đất Đà Lạt là điều không lạ. Đặc biệt là khi TP. HCM đang hé cửa trở lại và xây dựng lộ trình khôi phục kinh tế. Dòng tiền nhàn rỗi của nhiều nhà đầu tư vẫn còn. Đây là lúc thích hợp để đón đầu thị trường trước khi du lịch khôi phục lại hoàn toàn. Trong tương lai gần Đà Lạt sẽ tiếp đón lượng khách tham quan lớn.
Sức mua giảm, thanh khoản chậm
Cũng theo đại diện Tâm Real, đất nền tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà (những huyện có thông tin quy hoạch sáp nhập vào TP. Đà Lạt mở rộng) đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Giá đất (loại không phải đất thổ cư, có sổ đỏ, đường bê tông, xe ô tô có thể di chuyển) tại các khu vực này hiện ở mức 800.000 – 5 triệu đồng/m2. Đất thổ cư khu vực này có giá 5 – 15 triệu đồng/m2.
Trong thời gian đang khó khăn này, theo bà Thắm, không có hiện tượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân bán tháo các homestay, nhà nghỉ. Tuy nhiên, tại các vùng Đà Lạt, Bảo Lộc… một số nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính buộc phải cắt lỗ. Họ không có khách hàng và bị sụt giảm nguồn thu. Tuy có đơn đặt hàng, có khách hỏi mua nhưng việc siết chặt đi lại đã khiến sức mua giảm và thanh khoản rất chậm.

Sốt giá vùng ven Tây Nguyên đã bị chặn đứng
Đánh giá chung về thị trường Tây Nguyên, bà Thắm cho biết về cơ bản thị trường khu vực Tây nguyên không thay đổi về cơ cấu sản phẩm hoặc nhà đầu tư đáng kể. Chính quyền đã có các biện pháp can thiệp, chấn chỉnh. Do đó, thị trường khu vực này không có nhiều biến động. Hiện tượng sốt giá cục bộ vùng ven đã hoàn toàn bị chặn đứng. Sức cầu thị trường nơi đây giảm 20 – 30% so với quý I.
Tại Đắk Lắk trong quý III, khách hàng vẫn quan tâm các sản phẩm dự án. Tuy nhiên, thời gian này khu vực không có các sản phẩm mới. Các hoạt động chào bán chủ yếu ở Đắk Lắk diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Vì vậy, giao dịch diễn ra chậm, giá cả không thay đổi. Thậm chí giá cả còn giảm nhẹ so với các quý trước.
“Thị trường BĐS sẽ đối diện với sức cầu giảm tại hầu hết các địa phương và chỉ những sản phẩm đã hoàn chỉnh pháp lý, hạ tầng và có giá cả hợp lý cộng với chính sách bán hàng ưu đãi tốt mới tạo được sự quan tâm của nhà đầu tư trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022”, bà Thắm nói. Dự báo trong quý IV/2021 và năm 2022 thị trường Buôn Ma Thuột nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung sẽ tiến triển theo hướng tích cực và khởi sắc.