Ung thư thực quản là căn bệnh đứng hàng thứ tư trong số các bệnh ung thư đường tiêu hóa ở Việt Nam, chỉ đứng sau ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại tràng. Căn bệnh này tương đối phổ biến đối với cả nam lẫn nữ, nó thường diễn biến âm thầm và không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu, thế nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn sau thì mới nhận thấy rõ các triệu chứng như nghẹn, khó nuốt, đau họng,… Nếu bạn muốn biết thêm về căn bệnh này để có cách phòng tránh và điều trị hiệu quả thì hãy tham khảo bài viết dưới đây của collinsb.com.
Những nguyên nhân gây ung thư thực quản
Nguyên nhân chính xác gây bệnh lại chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến căn bệnh này:
Do chứng trào ngược dạ dày thực quản gây ra

Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản, dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên làm tổn thương thực quản (Barrett thực quản). Các tế bào thực quản thay đổi và bắt đầu trở nên giống với tế bào dạ dày. Tổn thương Barret nặng và kéo dài có thể dẫn đến ung thư thực quản.
Do nghiện thuốc lá và rượu
Bất kỳ loại thuốc lá nào như dạng điếu, xì gà, dạng nhai,… đều làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Việc sử dụng rượu thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ này. Đặc biệt, nguy cơ này càng tăng cao ở những người sử dụng đồng thời cả hai chế phẩm này. Do chúng làm tăng ảnh hưởng có hại của nhau trong quá trình gây ung thư thực quản.
Thường xuyên ăn nóng uống sôi
Theo cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về ung thư của Tổ chức Y tế thế giới: đồ uống quá nóng (> 65℃) là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Kết quả này dựa trên nghiên cứu của 23 nhà khoa học quốc tế, khi phân tích dữ liệu có sẵn về các nhân tố gây ung thư của cà phê, trà và một số thức uống phổ biến khác. Theo đó, bản thân cà phê, trà,… không gây ung thư. Nhưng nhiệt độ quá cao có thể gây tổn thương vùng họng và kích thích khối u phát triển.
Thường xuyên ăn đồ nướng, xông khói, ngâm muối
Bản thân đồ nướng đã tiềm ẩn nhiều nhân tố gây ung thư. Và các thực phẩm chứa nhiều nitrosamine như mắm, dưa chua, cà muối, thịt xông khói, rau ngâm giấm,… chế độ ăn ít hoa quả, chất xơ, thiếu hụt vitamin A, B2, C cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Mặc khác, thói quen ăn thức ăn cứng thường xuyên, nhai không kỹ làm tổn thương niêm mạc thực quản. Lâu dần có thể sinh ra viêm nhiễm, nổi u và ung thư.
Do bị di truyền
Ở nhiều bệnh, tính di truyền chiếm tỷ lệ tương đối cao trong nguyên nhân gây bệnh. Song trong ung thư thực quản, tính di truyền chỉ mang tính nhất định. Theo thống kê, có tới 80% nguyên nhân ung thư thực quản xuất phát từ yếu tố bên ngoài, chỉ có 10% từ gen di truyền. Trong đó tỷ lệ mắc từ bố là chủ yếu.
Do có tiền sử bệnh tật
Ở các bệnh nhân đã từng bị ung thư vùng đầu mặt cũng là một yếu tố nguy cơ mắc ung thư thứ hai ở vùng này. Trong đó có ung thư thực quản.
Triệu chứng của bệnh ung thư thực quản

Ung thư thực quản giai đoạn sớm không gây ra triệu chứng. Khi ung thư tiến triển, các triệu chứng phổ biến nhất là:
- Nuốt nghẹn: Cảm giác thức ăn bị vướng trong thực quản và có thể bị nôn trở ra. Nuốt nghẹn tăng dần từ đặc tới thức ăn lỏng. Thường khi có nuốt nghẹn thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
- Nôn: Xuất hiện khi biểu hiện nuốt nghẹn đã rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn, ngay sau khi ăn. Chất nôn là thức ăn vừa mới ăn vào không có lẫn dịch vị, có thể có ít máu trong chất nôn.
- Tăng tiết nước bọt: Khi bệnh nhân nuốt nghẹn nhiều thì nước bọt hầu như không xuống được dạ dày nên bệnh nhân luôn phải nhổ nước bọt.
- Sụt cân: Bệnh nhân gầy sút, suy kiệt, thiếu máu.
- Triệu chứng khác: Triệu chứng tỏ khối u đã xâm lấn ra ngoài thực quản: khó thở, ho, sặc, khàn tiếng (một giọng nói khàn hay ho mà không hết trong vòng 2 tuần), đau (đau khi nuốt: cảm giác nặng, tức sau xương ức khi nuốt, đau ngực hoặc lưng, đau bụng vùng thượng vị).
Cách phòng bệnh ung thư thực quản
- Cân bằng chế độ ăn uống. Sử dụng nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Hạn chế đồ nướng, xông khói, ngâm muối. Không ăn đồ đã bị nấm mốc.
- Không nên ăn, uống đồ quá nóng. Ăn quá nhanh.
- Không sử dụng thuốc lá, hạn chế rượu bia.
- Tập thể dục đều đặn.
- Thăm khám, tầm soát ung thư khoảng 2 lần/năm.